Giá HRC tại Bắc Mỹ cao gấp đôi Việt Nam, Thép Nam Kim (NKG) hưởng lợi lớn

Dự kiến mức lợi nhuận năm nay của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) có thể cao gấp hơn 7 lần so với năm 2023 nhờ hưởng lợi từ chênh lệch giá HRC tại Việt Nam với các khu vực khác.

Chênh lệch giá HRC thúc đẩy kênh xuất khẩu

Thép Nam Kim

Biên lợi nhuận của Thép Nam Kim trong năm nay dự kiến sẽ quay về như mức trước khi xảy ra đại dịch.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG – sàn HoSE) đã trải qua thời kỳ đầy thách thức khi doanh thu và biên lợi nhuận đều sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2022 – 2023.



Theo đánh giá mới đây của VNDirect Research, lợi nhuận của Thép Nam Kim sẽ hồi phục ấn tượng trong giai đoạn 2024 – 2025 với mức trung bình lên đến 1.000 tỷ đồng/năm khi nhu cầu thép tiếp tục ấm lên. Trong đó, riêng năm 2024, dự phóng lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ đạt 853 tỷ đồng, cao gấp 7,2 lần so với mức thực hiện của năm 2023.

Cụ thể, VNDirect Research đánh giá biên lợi nhuận của Thép Nam Kim trong năm nay sẽ tăng trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, tương ứng mức 6 – 7% nhờ hưởng lợi từ việc chênh lệch giá xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ.

Giá thép cuộn cán nóng giao ngay tại khu vực Bắc Mỹ duy trì ở mức cao liên tục trong 03 tháng qua, ở vùng giá 1.100 USD/tấn, gấp đôi so với giá HRC của Việt Nam, do thiếu hụt tôn mạ tại Mỹ sau khi Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) chấm đứt đình công, quay lại sản xuất. Trong khi đó, giá vận chuyển tương đối ổn định.



Giá HRC Thép Nam Kim

Chênh lệch giá HRC giữa Việt Nam và các khu vực trên thế giới (USD/tấn). (Nguồn: Bloomberg, VNDirect Research)

Chênh lệch giá cao giữa các khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thép HRC và các sản phẩm hạ nguồn của thép HRC như tôn mạ từ Việt Nam sang Mỹ, thậm chí cả khu vực EU.



Bên cạnh đó, theo đánh giá của Fitch Ratings, nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các khu vực trong năm 2024 với mức tiêu thụ tăng thêm từ 20 – 30 triệu tấn so với năm 2023. Trong đó, nhu cầu tại khu vực Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở mức sôi động.

Với việc đang nắm giữ 23% thị phần xuất khẩu tôn mạ cả nước vào cuối năm 2023, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Kênh xuất khẩu đóng góp khoảng 50 – 60% tổng doanh thu của Thép Nam Kim.



Động lực tăng trưởng mới từ mảng thép mạ cao cấp

Thị phần tôn mạ Thép Nam Kim

Thị phần tiêu thụ tôn mạ tại thị trường trong nước từ năm 2016 đến nay giữa Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA). (Nguồn: FiinPro, VNDirect Research)



Đối với thị trường trong nước, hoạt động tiêu thụ của Thép Nam Kim dự kiến sẽ tăng tốc kể từ nửa cuối năm trở đi khi thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục và Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.

Trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã chạm đáy sẽ kích thích nhu cầu mua nhà và đầu tư bất động sản, kéo theo đó là sự phục hồi của hoạt động xây dựng dân dụng – lĩnh vực sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tôn mạ. Đồng thời, các dự án đầu tư công của Chính phủ sẽ giúp gia tăng tỷ lệ đô thị hoá, dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng cao hơn trong những năm tới đây.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép của Việt Nam có thể đạt mức bình quân đầu người là 290 kg vào năm 2030 với dân số dự phóng là 104 triệu người tương đương tăng trưởng kép (CAGR) 6%. Qua đó, mở ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp tôn mạ như Thép Nam Kim.



Giá cổ phiếu NKG Thép Nam Kim

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong trung hạn, động lực tăng trưởng của Thép Nam Kim sẽ đến từ việc mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp thông qua việc triển khai Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.

Dự kiến nhà máy này sẽ bắt đầu được triển khai trong năm 2024, kéo dài qua 3 giai đoạn (công suất 400.000 tấn/giai đoạn), và sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).



Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Thép Nam Kim nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu và ổn định biên lợi nhuận nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp tại Việt Nam.

Theo Tạp chí Công thương

Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *